Xét nghiệm Anti-HBc là một xét nghiệm quan trọng thường được chỉ định trong chẩn đoán và điều trị viêm gan B. Vậy xét nghiệm Anti-HBc là gì? Chúng có ý nghĩa ra sao và được thực hiện như thế nào? Tất cả câu trả lời sẽ có trong nội dung dưới đây.
Mục lục
Xét nghiệm anti-HBc là gì?
Xét nghiệm Anti-HBc hay HBcAb là xét nghiệm quan trọng trong quá trình chẩn đoán viêm gan B. Chúng cho phép phát hiện kháng thể chống lõi virus viêm gan B. Các kháng thể này xuất hiện trong giai đoạn sớm của quá trình nhiễm virus và duy trì suốt cuộc đời. Anti-HBc (+) cho thấy người bệnh đang hoặc đã từng nhiễm HBV.
Kháng thể HBcAb được chia thành hai loại là IgM và IgG. Trong đó:
- HBcAb IgM: Xuất hiện và gia tăng nhanh chóng trong giai đoạn viêm gan B cấp hoặc trong đợt bùng phát cấp tính của viêm gan B mạn. Sau giai đoạn này, nồng độ HBcAb IgM sẽ giảm đi.
- HBcAb IgG: Xuất hiện trong giai đoạn nhiễm viêm gan virus B mạn tính. Chúng sẽ tồn tại lâu dài sau khi nhiễm bệnh.
Thông qua xét nghiệm Anti-HBc, bác sĩ sẽ đánh giá được liệu bệnh nhân đã từng tiếp xúc với virus HBV hay chưa.
☛ Đọc thêm: Phân biệt viêm gan B cấp và mãn tính
Xét nghiệm Anti-HBc được chỉ định khi nào?
Xét nghiệm Anti-HBc thường được chỉ định trong các trường hợp:
- Người nghi ngờ mắc viêm gan B với các triệu chứng như vàng da, mệt mỏi, sốt, ăn không ngon, buồn nôn, nôn mửa, đại tiện phân màu nhạt, nước tiểu đậm màu…
- Theo dõi sau điều trị viêm gan B để đánh giá sự phục hồi của bệnh nhân
- Người có nguy cơ cao mắc viêm gan B do thường xuyên tiếp xúc với người bệnh hoặc những đối tượng có nguy cơ cao như phụ nữ có thai, trẻ sơ sinh…
Ngoài ra, do virus viêm gan B có khả năng lây truyền qua đường máu nên xét nghiệm Anti-HBc cũng có thể được thực hiện như một phần của quá trình sàng lọc ở những người hiến máu hoặc muốn hiến tạng.
Ý nghĩa của chỉ số xét nghiệm Anti-HBc
Chỉ số xét nghiệm Anti-HBc sẽ giúp bác sĩ đưa ra đánh giá về việc người bệnh đã phơi nhiêm virus HBV hay chưa. Cụ thể:
Chỉ số anti-HBc IgM dương tính
Kháng thể anti-HBc IgM thường xuất hiện trong giai đoạn viêm gan B cấp tính hoặc trong đợt tiến triển cấp của trường hợp mắc viêm gan B mạn tính.
Đây là kháng thể sớm, hiện diện sau khi người bệnh nhiễm virus và chúng chỉ tồn tại trong máu với khoảng thời gian ngắn. Sự xuất hiện của Anti-HBc IgM cũng có thể cho biết rằng người bệnh đang ở trong giai đoạn “cửa sổ” miễn dịch, nói dễ hiểu hơn là thời kỳ mà kháng nguyên HBsAg đã biến mất nhưng kháng thể Anti-HBs chưa xuất hiện.
Chỉ số anti-HBc IgG dương tính
Anti-HBc IgG chỉ hiện diện trong giai đoạn mạn tính của viêm gan B và tồn tại suốt đời. Anti-HBc IgG (+) cho thấy người bệnh đã mắc viêm gan B mạn tính. Trong nhiều trường hợp, có thể gan dã bị tổn thương đáng kể, làm ảnh hưởng đến chức năng vốn có. Nếu không được điều trị kịp thời, suy giảm chức năng gan có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như xơ gan, ung thư gan…
☛ Tìm hiểu thêm: Viêm gan B có nguy hiểm không?
Ngoài ra, xét nghiệm Anti-HBc cũng có những ý nghĩa hết sức quan trọng với bệnh nhân viêm gan B. Cụ thể:
- Xác định tiếp xúc với HBV: Kháng thể HBcAb chỉ được hình thành khi cơ thể nhiễm virus. Do đó, nếu kết quả xét nghiệm Anti-HBc (+) có nghĩa là trước đó người bệnh đã từng tiếp xúc với virus viêm gan B (dù có đang nhiễm bệnh hoặc không).
- Chẩn đoán phân biệt viêm gan B cấp và mạn tính: Như đã đề cập ở trên, HBcAb có hai loại kháng thể là IgM và IgG. Trong giai đoạn cấp tính của bệnh viêm gan B, nồng độ Anti-HBc IgM tăng cao sau đó giảm dần và biến mất. Tuy nhiên, chúng vẫn có thể tái xuất hiện trong đợt bùng phát cấp tính của viêm gan B mạn. Ngược lại, nồng độ Anti-HBc IgG sẽ tăng cao trong giai đoạn mạn tính.
- Đánh giá khả năng miễn dịch với HBV: Trường hợp kết quả xét nghiệm Anti-HBc dương tính, kèm theo nồng độ cao của kháng thể Anti-HBs có thể cho thấy cơ thể đã có đề kháng virus viêm gan B do phục hồi sau khi nhiễm bệnh hoặc phản ứng tốt với vắc-xin viêm gan B.
- Sàng lọc nguy cơ lây nhiễm: Xét nghiệm Anti-HBc thường được chỉ định trong khám sàng lọc trước khi truyền máu, cấy ghép tạng… để phát hiện các trường hợp có nguy cơ cao trở thành nguồn lây nhiễm HBV, ngăn ngừa tình trạng lây truyền viêm gan B trong cộng đồng.
Xét nghiệm Anti-HBc được thực hiện như thế nào?
Quy trình xét nghiệm Anti-HBc thông thường được thực hiện như sau:
- Lấy mẫu máu: Bệnh nhân sẽ được sát khuẩn tại vị trí lấy máu, sau đó nhân viên y tế sẽ tiến hành lấy máu tĩnh mạch của người bệnh bằng kim vô trùng. Máu sẽ được đựng trong ống nghiệm có nắp đậy.
- Phân tích mẫu: Mẫu máu sau đó được kỹ thuật viên sử dụng các loại thiết bị, máy móc hiện đại để phân tích, tìm kiếm sự xuất hiện của kháng thể Anti-HBc.
- Đánh giá kết quả: Sau khi phân tích, kết quả xét nghiệm sẽ cho biết liệu cơ thể bệnh nhân có chứa kháng thể chống lại lõi virus viêm gan B hay không, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra kết luận cụ thể về tình trạng nhiễm virus.
Cần lưu ý gì khi thực hiện xét nghiệm Anti-HBc?
Khi có chỉ định thực hiện xét nghiệm Anti-HBc, để thu được kết quả với độ chính xác cao, người bệnh cần lưu ý:
- Tuân thủ hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ khi thăm khám và thực hiện xét nghiệm.
- Nhịn ăn khoảng 4 đến 6 tiếng trước lấy mẫu xét nghiệm. Thức ăn có thể gây ra những biến đổi không mong muốn trong các phản ứng sinh hóa, từ đó dẫn đến sai lệch trong kết quả.
- Tránh sử dụng bất kỳ loại thuốc nào trước khi thực hiện xét nghiệm, nhất là các thuốc kháng sinh hoặc thuốc điều trị tâm lý.
- Không sử dụng rượu, bia, các loại đồ uống có cồn và các chất kích thích gần thời điểm xét nghiệm.
- Nên sắp xếp thời gian thực hiện xét nghiệm vào buổi sáng. Điều này giúp đảm bảo được điều kiện nhịn ăn trước khi làm xét nghiệm, đồng thời cơ thể cũng vừa được nghỉ ngơi sau 1 đêm.
☛ Tham khảo: Xét nghiệm viêm gan B ở đâu?
Trên đây là những thông tin hữu ích về xét nghiệm Anti-HBc. Để đảm bảo an toàn, sức khỏe, người bệnh viêm gan B cần thường xuyên thăm khám, thực hiện các xét nghiệm định kỳ và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ trong việc chăm sóc, điều trị.
Truy cập Viemgan.com.vn để cập nhật thêm nhiều kiến thức về sức khỏe gan.