Gan có vai trò rất quan trọng đối với cơ thể con người. Không chỉ có chức năng chuyển hóa, phân giải các chất dinh dưỡng trong cơ thể mà còn thanh lọc và đào thải độc tố ra bên ngoài. Trong đó, men gan được biết đến với vai trò quan trọng nhất trong mọi hoạt động của gan. Nhiều người thắc mắc xét nghiệm men gan để làm gì? Mời các bạn theo dõi những thông tin sau đây.
Mục lục
Men gan là gì?
Trong gan có một hệ thống các enzyme hoàn chỉnh như AST, ALT, GGT…có chức năng hỗ trợ gan lọc bỏ các độc tố, giúp hoàn thiện, tổng hợp cũng như chuyển hóa các chất như lipid, gluxit, protid… Các enzym này được gọi chung là men gan.
Khi cơ thể có gì đó bất ổn, gan là bộ phận chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Thời điểm này chỉ số men gan sẽ bất thường. Các enzyme trong tế bào gan được giải phóng, chúng hòa tan trong máu khiến máu chứa một lượng men gan nhất định và tích tụ ngày càng nhiều thêm, tăng cao hơn so với mức bình thường.
Phương pháp xét nghiệm chỉ số men gan nhằm mục đích thấy được mức độ tổn thương gan cũng như sức khỏe hiện tại của người bệnh. Nếu phát hiện sớm thì sẽ có phương pháp điều trị men gan tăng hiệu quả, giúp men gan hạ về mức ổn định. Ngược lại, nếu để lâu dài hoặc không được phát hiện kịp thời, tình trạng bệnh lý ngày càng nặng. Khi đó, phương pháp điều trị sẽ không mang lại hiệu quả cao.
Thông tin hữu ích: Men gan tăng cao – Nguyên nhân và cách phòng tránh
Xét nghiệm men gan gồm những gì?
Xét nghiệm men gan là xét nghiệm để xác định các chỉ số men gan trong máu. Trong đó, có 4 chỉ số xét nghiệm thường được bác sĩ quan tâm, bao gồm:
- Chỉ số AST (hay còn gọi là SGOT).
- Chỉ số ALT (hay còn gọi là SGPT).
- Chỉ số GGT.
- Chỉ số ALP.
Alanine transaminase (ALT hoặc SGPT)
ALT là men gan được cơ thể sử dụng để chuyển hóa protein. Khi gan bị tổn thương hoặc hoạt động không đúng cách, ALT có thể được giải phóng vào máu, khiến mức ALT tăng lên. Khi kết quả xét nghiệm cao hơn bình thường có thể là dấu hiệu tổn thương gan.
Xem chi tiết: Chỉ số ALT tăng cao có ý nghĩa gì?
Aspartate transaminase (AST hoặc SGOT)
Aspartate aminotransferase (AST) được biết đến là một loại men gan xuất hiện trong một số bộ phận của cơ thể bao gồm tim, gan và cơ. Vì nồng độ AST không cụ thể đối với tổn thương gan như ALT nên nó thường được đo cùng với ALT nhằm kiểm tra các vấn đề về gan. Khi gan bị tổn thương, AST có thể được giải phóng vào trong máu. Khi kết quả xét nghiệm AST cao có thể là dấu hiệu của vấn đề về gan hoặc cơ.
Xem chi tiết: Chỉ số AST là gì?
Phosphatase kiềm (ALP)
Alkaline phosphatase (ALP) là loại men gan xuất hiện trong xương, ống dẫn mật và gan. Xét nghiệm ALP thường được thực hiện kết hợp với các xét nghiệm khác. Khi hàm lượng ALP cao là dấu hiệu của tình trạng viêm gan, tắc nghẽn ống dẫn mật hoặc bệnh lý về xương. Trẻ em và thanh thiếu niên thường có mức ALP cao hơn bởi xương đang phát triển. Ngoài ra, phụ nữ giai đoạn mang thai cũng có nồng độ ALP cao hơn.
Gamma-glutamyl transferase (GGT)
GGT xuất hiện chủ yếu ở các tế bào thận, gan và tụy. Mặc dù lượng GGT cao nhất ở mô thận nhưng GGT trong máu có nguồn gốc chủ yếu từ hệ thống gan mật. GGT nhạy hơn các chỉ số men gan khác trong phát hiện bệnh vàng da tắc mật, viêm đường mật và bệnh viêm túi mật.
GGT thường tăng cao nhất trong và sau khi tắc nghẽn đường mật, với chỉ số tăng 5 – 30 lần bình thường. GGT tăng nhẹ trong nhiễm trùng gan. GGT tăng được ghi nhận trong máu của người bệnh mắc xơ gan do rượu bia hay sử dụng rượu bia nồng độ cao.
Xem thêm chi tiết: Chỉ số GGT là gì? Bao nhiêu là nguy hiểm?
Ý nghĩa của các chỉ số trong xét nghiệm gan?
Chỉ số men gan được cho là bình thường nếu không vượt quá hạn mức cho phép. Có 4 chỉ số men gan thông dụng được các bác sĩ chỉ định là ALT, AST, ALP, GGT được phân chia theo giới tính, độ tuổi nên độ chính xác hầu như tuyệt đối. Chỉ số được cho là bình thường như sau đây:
- Chỉ số ALT (hay còn gọi là GPT) giới hạn bình thường từ 5-37 UI/l.
- Chỉ số AST (hay còn gọi là GOT) giới hạn bình thường từ 5-40 UI/l.
- Chỉ số GGT giới hạn bình thường là 5-60 UI/l.
- Chỉ số ALP giới hạn bình thường từ 35-115 UI/l.
ALT và AST
Đây là hai chỉ số đặc trưng cho tổn thương gan. Khi tế bào gan bị tổn thương và chết sẽ phóng thích men gan AST và ALT vào trong máu. Hầu hết các bệnh gan thì mức tăng ALT cao hơn so với mức tăng AST. Nhưng trong xơ gan và nghiện rượu thì mức tăng AST cao hơn ALT, thường tỷ lệ là 2:1.
Có nhiều nguyên nhân làm tăng các chỉ số trên như:
- Viêm gan do virus;
- Gan nhiễm mỡ;
- Gan do rượu, do thuốc;
- Viêm gan tự miễn;
- U gan;
- Suy gan…
GGT và APL (Men gan mật)
GGT và ALP tăng hơn so với mức bình thường có thể là biểu hiện của tình trạng tắc mật hoặc tổn thương hoặc viêm đường mật. Khi đó, men này tăng lên rõ rệt, gấp gần 10 lần so với giá trị bình thường giới hạn ở trên.
Chỉ số ALP tăng khi kiểm tra chức năng gan chỉ phản ánh bất ổn về gan nếu có kèm theo tăng GGT. Tuy vậy, GGT có thể tăng nhưng không kèm theo tăng ALP. Vì GGT dễ bị ảnh hưởng bởi rượu và những loại thuốc có độc tính với gan.
Một số nguyên nhân sau có thể làm tăng nồng độ ALP và GGT:
- Xơ gan mật tiên phát.
- Bệnh gan nhiễm mỡ ở người không nghiện rượu.
- Viêm đường mật xơ hóa tiên phát
- Bệnh gan do rượu
- U gan
- Bệnh gan do thuốc
- Sỏi mật.
Những ai nên xét nghiệm men gan?
- Người thường xuyên sử dụng rượu bia hoặc uống nhiều rượu bia.
- Người sống trong gia đình có đối tượng đã từng mắc bệnh liên quan đến gan.
- Đối tượng thừa cân, đặc biệt có kèm theo bệnh lý như đái tháo đường, tăng huyết áp.
- Đối tượng đang bị tấn công bởi nhóm virus có hại cho gan.
- Đang trong quá trình điều trị bệnh có sử dụng nhóm thuốc gây ảnh hưởng tới chức năng gan.
- Người từng mắc một số bệnh lý liên quan tới gan cần phải xét nghiệm theo dõi và tầm soát nguy cơ mắc bệnh.
Lưu ý khi xét nghiệm men gan
Xét nghiệm men gan là cơ sở giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán. Do đó, để đảm bảo kết quả kiểm tra được chính xác, khi xét nghiệm cần lưu ý một số điểm sau:
- Tuyệt đối không được uống thuốc trước khi xét nghiệm.
- Ngưng sử dụng các loại thuốc trước khi xét nghiệm ít nhất 12 tiếng để đảm bảo các thành phần trong thuốc không làm sai kết quả kiểm tra.
- Không sử dụng các chất kích thích, kể cả thuốc lá trước khi xét nghiệm. Thành phần nicotine sẽ làm các chỉ số bị sai lệch.
- Tiến hành xét nghiệm vào buổi sáng để đạt kết quả chính xác cao hơn.
Xét nghiệm men gan ở đâu?
Bạn đang phân vân không biết đi kiểm tra chức năng gan ở đâu cho hiệu quả, chính xác và nhanh chóng thì nên tham khảo một số địa chỉ uy tín sau đây:
Tại Hà Nội:
1. Khoa Tiêu hóa – bệnh viện Bạch Mai.
2. Bệnh viện Nhiệt Đới Trung Ương.
3. Bệnh viện Trung Ương Quân Đội 108.
4. Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
5. Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức.
Tại TP. Hồ Chí Minh:
1. Bệnh viện Chợ Rẫy.
2. Bệnh viện Nhân Dân 115.
3. Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM
4. Bệnh viện Bình Dân.
Một số biện pháp phòng ngừa men gan cao
Mỗi người nên chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe, hạn chế tác nhân gây bệnh tật nói chung và tăng cao chỉ số men gan nói riêng. Dưới đây là một số biện pháp chủ động phòng tránh men gan tăng cao như:
- Hạn chế hoặc bỏ hút thuốc lá.
- Tránh sử dụng thường xuyên các chất có cồn như bia rượu,…
- Tránh sử dụng các loại thực phẩm có chứa nhiều chất béo, đường, thức ăn nhanh, đồ ăn cay nóng…
- Sử dụng các loại thảo mộc tự nhiên giúp kích thích quá trình tái tạo và phục hồi gan hiệu quả hơn.
- Xây dựng thói quen tập luyện thể dục thể thao phù hợp với cơ thể mỗi ngày.
- Hạn chế lao động quá sức, làm việc nặng nhọc.
- Không nên thức khuya, nên ngủ sớm trước 23 giờ.
- Sử dụng thuốc cần có sự tư vấn, tránh tự ý sử dụng thuốc có thể gây ra những hậu quả cho sức khỏe nói chung và gan nói riêng.
- Thiết lập thói quen ăn uống và sinh hoạt lành mạnh, điều độ.