Xơ gan được chia thành 4 cấp độ. Ở cấp độ 3 hay còn gọi là F3, bệnh được xem là trở nặng và tiềm ẩn khá nhiều biến chứng nguy hiểm. Vậy xơ gan độ 3 là gì? Có chữa khỏi được không và điều trị bằng cách nào?
Mục lục
Xơ gan độ 3 là gì?
Xơ gan khiến tế bào bị tổn thương nghiêm trọng và hình thành mô sẹo, các mô này ngày càng lan rộng tùy theo giai đoạn tiến triển của bệnh. Hiện xơ gan được phân thành 4 cấp độ từ nhẹ đến nặng, tương ứng từ độ 1 đến độ 4. Trong đó, xơ gan độ 3 (F3) là tình trạng xơ hóa đã tiến vào giai đoạn nặng, động mạch, tĩnh mạch và mạch máu trong gan đã bị xơ góa, chức năng gan cũng vì thế mà suy giảm rõ rệt.
☛ Tìm hiểu: Xơ gan độ F0 – F1
Khi xơ gan tiến triển đến mức độ này, các tế bào gan khỏe mạnh còn sót lại sẽ phải hoạt động nhiều hơn, cố gắng thay thế cho cả phần của những tế bào xơ hóa, làm tăng áp lực lên gan. Cuối cùng các tế bào sẽ bị tổn thương ngày càng nhiều, lượng độc tố tích tụ tại gan cũng lớn hơn.
Nếu không được phát hiện điều trị kịp thời, bệnh sẽ nhanh chóng tiến triển sang giai đoạn 4 hay còn gọi là xơ gan cổ trướng (giai đoạn cuối của bệnh), khiến gan mất hoàn toàn chức năng, tăng nguy cơ suy gan, ung thư gan, thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh.
Dấu hiệu nhận biết xơ gan độ 3
Khi quá trình xơ gan tiến triển đến giai đoạn F3, các triệu chứng bệnh thường đã được biểu hiện khá rõ ràng. Dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết cụ thể:
Rối loạn tiêu hóa: Người bệnh có thể gặp phải các chứng đầy bụng, khó tiêu, đi ngoài… Các triệu chứng này xảy ra thường xuyên, kéo dài, khác với tình trạng rối loạn tiêu hóa thông thường. Ngoài ra, tình trạng này có thể bao gồm: đi ngoài phân đen, buồn nôn và nôn ra máu do xuất huyết tiêu hóa gây ra.
Chảy máu bất thường: Chức năng gan suy giảm có thể làm ảnh hưởng đến các yếu tố đông máu, khiến người bệnh dễ gặp tình trạng xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, rong kinh hoặc rong huyết ở nữ giới.
Vàng da, vàng mắt: Tình trạng này có thể xuất hiện từ giai đoạn 2 của bệnh xơ gan, do chức năng lọc và thải độc của gan suy giảm, hoạt động của ống mật bị ảnh hưởng, gây ứ đọng bilirubin. Tuy nhiên sang đến giai đoạn 3 màu sắc sẽ trở nên đậm hơn, mắt và da toàn thân người bệnh đều chuyển vàng, rõ nhất ở vùng tay và chân.
Xuất hiện tình trạng phù nề: Trường hợp các mô gan bị xơ hóa nghiêm trọng, sự xuất hiện của mô sẹo có thể làm áp lực trong mạch máu gia tăng đáng kể, gây tình trạng tích tụ dịch ở các chi, đặc biệt là vùng chi dưới. Nếu dùng tay ấn vào sẽ xuất hiện vết lõm không thể đàn hồi lại ngay.
Cổ trướng: Tế bào gan xơ hóa cùng sự xuất hiện của mô sẹo khiến áp lực mạch máu tăng lên, làm tăng lượng dịch bị đẩy vào và ứ đọng tại khoang bụng. Tình trạng này khiến phần bụng của người bệnh căng trướng, kèm theo cảm giác nặng nề, đau đớn.
Các dấu hiệu khác: Cơ thể mệt mỏi, xanh xao, đề kháng kém và dễ nhiễm bệnh, cân nặng sụt giảm nhanh chóng, nước tiểu sậm màu, có thể bị sốt nhẹ, suy giảm ham muốn tình dục, có thể xuất hiện tình trạng vô kinh ở nữ và liệt dương ở nam giới…
Xơ gan độ 3 có chữa khỏi được không?
Như đã nói ở trên, khi xơ gan tiến triển đến giai đoạn 3 thì gan gần như mất khả năng đào thải độc tố, chức năng gan cũng suy giảm đáng kể. Đáng nói, một khi tế bào gan đã xơ hóa thì sẽ không thể phục hồi lại như ban đầu.
Chính vì vậy, để chữa khỏi hoàn toàn xơ gan, nhất là xơ gan độ 3 là điều không thể.
Tuy nhiên, việc điều trị xơ gan giai đoạn 3 thực sự rất cần thiết để hạn chế tiến triển của bệnh, ngăn ngừa những biến chứng có thể xảy ra, cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài thời gian sống cho người bệnh.
Nếu được điều trị kịp thời, đúng cách, thời gian sống của người bệnh xơ gan độ 3 có thể kéo dài từ 6 – 10 năm, thậm chí lâu hơn tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, tinh thần, việc đáp ứng thuốc và chế độ chăm sóc, sinh hoạt…
Điều trị xơ gan độ 3 bằng cách nào?
Bác sĩ sẽ dựa trên tình hình của người bệnh để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất. Các phương pháp này có thể bao gồm:
Sử dụng thuốc
Sử dụng thuốc là phương pháp điều trị phổ biến cho các trường hợp xơ gan độ 3 nhằm làm chậm quá trình xơ hóa và ngăn ngừa biến chứng.
Tùy trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định các thuốc điều trị phù hợp, ví dụ như:
- Thuốc kháng virus: Dùng cho các trường hợp xơ gan có liên quan đến virus viêm gan B hoặc C để ngăn chặn sự nhân lên của virus, hạn chế tiến triển của bệnh.
- Thuốc lợi tiểu: Giúp loại bỏ bớt lượng dịch tích tụ trong ổ bụng với các trường hợp có cổ trướng.
- Thuốc chống chảy máu: Dùng cho các trường hợp giảm chức năng đông máu do gan bị tổn thương.
- Thuốc kháng sinh: Trường hợp bệnh nhân xơ gan độ 3 có các yếu tố nhiễm trùng, nhiễm khuẩn, thuốc kháng sinh có thể được chỉ định để ngăn ngừa viêm nhiễm lan rộng, tránh biến chứng.
- Thuốc bổ sung dinh dưỡng: Các loại vitamin, khoáng chất tốt cho sức khỏe cũng có thể được sử dụng để cải thiện sức khỏe tổng thể của bệnh nhân xơ gan.
☛ Tìm hiểu chi tiết: Thuốc trị xơ gan có những loại nào?
Phẫu thuật cấy ghép gan
Phẫu thuật cấy ghép gan là phương pháp điều trị tiên tiến, cho phép thay thế phần gan tổn thương của người bệnh bằng mô gan lành của người hiến, giúp phục hồi chức năng gan một cách hiệu quả nhất.
Tuy nhiên, để thực hiện được phương pháp này, người bệnh cần được đánh giá kỹ lưỡng về tình trạng sức khỏe xem có đủ điều kiện cấy ghép hay không, đồng thời cũng cần tìm được nguồn hiến tạng phù hợp. Mặt khác, chi phí cấy ghép gan là tương đối lớn, không phải bệnh nhân nào cũng đủ điều kiện thực hiện.
Biện pháp hỗ trợ
Bên cạnh việc tuân thủ phác đồ điều trị được bác sĩ chỉ định, để kiểm soát bệnh một cách hiệu quả, người bệnh xơ gan độ 3 cũng cần:
Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học
Chức năng gan suy giảm nhiều, dẫn đến tình trạng thường xuyên mệt mỏi, ăn ngủ kém… làm sức khỏe bệnh nhân xơ gan độ 3 càng thêm suy yếu. Vì thế, xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý là một trong những cách giúp cải thiện sức khỏe cho người bệnh, đồng thời giúp quá trình điều trị diễn ra hiệu quả hơn.
Theo đó, chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân xơ gan giai đoạn 3 cần lưu ý:
- Giảm bớt muối trong chế độ ăn, tránh tình trạng tích nước trong cơ thể làm hiện tượng phù và cổ trướng thêm nghiêm trọng.
- Bổ sung thêm chất xơ từ rau xanh và trái cây tươi vào khẩu phần ăn để cải thiện hoạt động của hệ tiêu hóa, giảm táo bón, góp phần hạn chế nguy cơ biến chứng não – gan.
- Giảm đạm thông thường trong chế độ ăn, thay vào đó nên ưu tiên các loại đạm chứa acid amin phân nhánh BCAA để hạn chế sinh amoniac trong quá trình tiêu hóa. Loại đạm này có nhiều trong các thực phẩm như đậu hũ, sữa đậu nành và các chế phẩm từ đậu khác…
- Hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm giàu sắt như thịt đỏ, gan động vật… tránh tình trạng ứ sắt do suy giảm chức năng gan gây tổn thương đến các cơ quan nội tạng khác.
- Bổ sung các loại trái cây giàu kali như bưởi, bơ, chuối… để bù lại lượng kali mất đi khi dùng thuốc lợi tiểu.
- Hạn chế tiêu thụ thực phẩm nhiều dầu mỡ, các món chiên xào và đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn…
- Thêm sữa chua vào chế độ ăn để bổ sung lợi khuẩn, giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, đồng thời hóa giải một phần amoniac.
- Chia nhỏ khẩu phần ăn trong ngày, buổi sáng có thể ăn nhiều hơn một chút, trong khi đó bữa tối có thể ăn ít hơn và không ăn quá khuya, nên ăn trước giờ đi ngủ khoảng 3 – 4h để tránh tình trạng đầy bụng, buồn nôn…
- Uống nước với lượng vừa phải, không uống quá nhiều, có thể bổ sung các loại nước lợi tiểu như nhân trần, râu ngô… hoặc các nước uống tốt cho gan như nước cà gai leo, actiso…
☛ Xem thêm: Thực đơn 7 ngày cho người bệnh xơ gan
Thay đổi lối sống lành mạnh
Thay đổi lối sống, sinh hoạt lành mạnh cũng là một trong những việc cần thiết giúp cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh xơ gan độ 3.
Một số gợi ý bao gồm:
- Ngủ đủ giấc, tránh thức khuya: Thức khuya có thể ảnh hưởng đến quá trình đào thải độc tố và cả chức năng gan. Theo đó, bệnh nhân xơ gan nên đi ngủ trước 23h đêm và ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi ngày.
- Không sử dụng rượu bia, thuốc lá: Các chất độc hại có trong rượu bia và thuốc lá có thể khiến gan tổn thương thêm, thúc đẩy xơ gan tiến triển nhanh hơn, làm tăng nguy cơ biến chứng. Do đó, bệnh nhân xơ gan độ 3 cần tuyệt đối tránh xa các chất này.
- Kết hợp vận động thể chất, tập luyện nhẹ nhàng để tăng cường sức khỏe tổng thể, đồng thời hỗ trợ quá trình trao đổi chất, chuyển hóa và sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, góp phần làm tăng hiệu quả điều trị xơ gan.
- Dành thời gian nghỉ ngơi để cơ thể phục hồi, tránh các hoạt động nặng nhọc hoặc phải gắng sức có thể làm tổn hại sức khỏe, gây ảnh hưởng không tốt tới gan.
- Tránh tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại có khả năng tác động tiêu cực đến gan.
- Giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, stress kéo dài làm ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.
☛ Tham khảo: Hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân xơ gan tại nhà
Lời kết:
Xơ gan tiến triển đến giai đoạn 3 là tình trạng bệnh tương đối nghiêm trọng, không thể chữa khỏi hoàn toàn. Để cải thiện chức năng gan và ngăn các biến chứng có thể xảy ra, người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ. Đồng thời cần thường xuyên theo dõi sức khỏe, thăm khám định kỳ hoặc ngay khi cơ thể có các dấu hiệu bất thường để kiểm soát bệnh một cách hiệu quả nhất.